Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Diễn giả - Hoàng Ngọc Diệp (chú Diệp) - Mỗi ngày đều là sinh nhật

Nhà quản trị cao cấp Hoàng Ngọc Diệp- “ Mỗi ngày là sinh nhật và cũng là ngày cuối”

Chiến lược quyết định tất cả. Bởi nếu có ý định tốt, tư tưởng hay, đầu tư mạnh mà không có chiến lược phù hợp, thì cơ hội thành công gần như là con số không.
Hiền Hòa
Hoàng Ngọc Diệp là ai?


Sinh ở Nha Trang, trong một gia đình đông anh chị em, có anh cả và em gái út là những người nổi tiếng trong giới văn nghệ.Trưởng thành ở Úc.Làm việc, và lang thang trên 28 nước.Năm 1991 về Việt Nam và ở luôn tại đây. Làm GĐ và Trưởng đại diện của khá nhiều công ty nước ngoài.Giúp thành lập 7 công ty tại Việt Nam có 5 công ty khá thành công, nhất là ởlĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Hiện làm GĐ Cao cấp của Qualcomm (Mỹ) tại Việt Nam, và đang có hướng chuyển đổi công việc.Cùng vợ và con trai (11 tuổi) sống ở Sài Gòn.

Đấy là phác thảo chân dung của Nhà Quản trị Cao cấp mà chúng ta sẽ tiếp xúc trong cuộc trò chuyện này. Và đây cũng là lần đầu tiên anh bày tỏ những chuyện khá riêng tư của mình với báo chí - một cuộc đời sôi động và cũng nhiều biến cố.

Chân dung nhà quản trị cao cấp Hoàng Ngọc Diệp

Lang thang như một kẻ hát rong...
Có lần anh nói, khi nhỏ anh ước mơ trở thành một nghệ sĩ trình tấu guitar?
Lúc nhỏ tôi cực kì yếu đuối. Vì sinh thiếu tháng nên đến năm 12 tuổi vẫn là người “chậm”, học hành ngu muội. Tôi nghĩ hay là mình học đàn, để trở thành một guitarist lừng danh, và sau đó chết yểu, cho người đời luyến thương. 13 tuổi, tôi mới hết bị hen suyễn, học hành tốt hơn, và cũng dần dần nhận ra một điều: khó mà học nhạc tử tế nếu như mình cứ là một thằng “gà mờ”, không có kiến thức rộng.

Anh tự học nhạc?
Anh tôi (sau này là guitarist, nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu, dịch giả Hoàng Ngọc Tuấn – pv) lớn hơn tôi 3 tuổi, nhưng hai anh em chơi thân với nhau từ nhỏ. Chính anh Tuấn là người dạy đàn và dẫn dắt tôi trong thế giới nghệ thuật mấy mươi năm qua. Anh ấy và những người bạn thân là những người xuất chúng, tôi bị hay được được ảnh hưởng bởi họ. Cũng qua họ, tôi biết yêu mến và kính trọng hơn những văn nghệ sĩ. Tôi được họ dạy nhạc, văn chương, hội họa và hướng dẫn cách cảm nhận, cảm thụ cái đẹp. Và cũng chính họ khiến tôi luôn mặc cảm: mình không thông minh, mình học dốt, không đủ đĩnh đạc, không đẹp trai, không có sức khỏe... Để rồi sau đó phải mất hết mười mấy năm, tôi mới giải quyết được cái mặc cảm của thời con nít này.

Và anh đi Úc là để thỏa mãn cái ước mơ “dao kéo” đó?
Đó cũng là một dự định rất mơ mộng. Khi ra đi, tôi thấy xung quanh mình quá nhiều người bị bệnh tật, tôi muốn về giúp họ. Nhưng y khoa đâu phải chuyện chơi, tiếng Anh quá khó, tôi bỏ học sau một thời gian trầy trật. Tôi chuyển qua học nghề châm cứu, nhưng rồi cũng không thấy tương lai, vì không biết mình sẽ giúp những người bệnh tật ra sao đây. Chính lúc này, vào cuối thập niên 70, tôi nhận ra anh Tuấn của mình là một thiên tài. Anh ấy đã mất một thời gian rất ngắn để học cùng lúc nhiều ngôn ngữ, còn tập đàn thì tôi phải mất thời gian gấp vài mươi lần so với anh mình để tạm trình diễn được. Tôi ra đường đi hát rong,và bắt đầu học về quản trị.

Anh chơi nhạc trong bao lâu, và ở những đâu?
Chơi đàn đến năm 1983, và ở khắp mọi nơi, từ vỉa hè, quán bar, cho đến các sân khấu. Tôi đi dạy nhạc ở các câu lạc bộ, các tư gia..., và tiếp tục nuôi dưỡng cái ước mơ trở thành một “người thầy tinh thần” trong âm nhạc. Nói chung, bằng cây đàn, trong mấy năm tôi đã thỏa mãn được đam mê và cái dạ dày của mình.

Sao đến năm 1983 anh dừng lại? Hay lúc ấy anh biết mình không bao giờ trở thành một “bậc thầy tinh thần”?
Cho tới khi hiểu được mình có thể làm được nhiều điều khác ý nghĩa hơn, ích lợi hơn là chơi nhạc, thì tôi bỏ sức chuyên tâm hơn cho lĩnh vực quản trị dù vẫn tiếp tục trình diễn. Năm ấy, anh Tuấn qua Úc. Đón anh ở phi trường với cây guitar của mình, tôi giao cây đàn lại cho anh, và quyết tâm đi sâu vào một con đường khác.

Sau 25 năm giao cây đàn lại cho huynh trưởng, anh thấy quyết định đó có chính xác không?
Quá chính xác. Về mặt nghệ thuật, dường như ông trời đã không công bằng với tôi, và quá ưu đãi với anh tôi. Anh viết văn, làm nghiên cứu, phê bình, soạn nhạc, trình tấu, diễn kịch, đi dạy, dịch thuật... kiểu gì anh ấy cũng làm khá dễ dàng, và có thành tựu. Riêng trong lĩnh vực soạn nhạc, rất nhiều tác phẩm của anh đã đi vào giáo trình giảng dạy ở các trường chuyên âm nhạc, trở thành bài thi guitar trong nước và quốc tế. Trong lĩnh vực âm nhạc, anh cũng đã có tên trong cuốn từ điển bách khoa uy tín trên toàn thế giới. Nếu anh Tuấn không qua Úc, tôi đã không có sự so sánh, tôi đã không đủ dũng cảm để bỏ cây guitar, và chắc bây giờ, tôi đã chết ngoài đường – chết bằng cái cách của một kẻ hát rong, một xẩm ca, trên một vỉa hè nào đó, vì say mèm và mất định hướng.
Và đó là lý do duy nhất?
Trong đời này làm gì có lý do duy nhất, tôi đã bị dằn vặt với rất nhiều thứ. Và chỉ khi anh Tuấn xuất hiện, tôi mới biết mình nên bỏ đàn, bởi nếu thang điểm cho anh ấy là 10 thì tôi chỉ được có 4. Đam mê và khổ luyện thì chưa chắc ai hơn ai, nhưng tôi thiếu năng khiếu bẩm sinh. Khi trình diễn, nếu tôi phải vận dụng đến 10 thành công lực, anh Tuấn chỉ cần 4 là đủ. Tôi nghiệm ra một điều rằng: âm nhạc là đam mê và sở thích, nhưng nó chỉ là ước mơ hết sức cá nhân, và chắc chắn tôi (kẻ bất tài) sẽ không làm được gì cho người khác. Tôi đã thực hiện một cuộc đánh đổi nhẹ nhàng, dù có nhiều luyến tiếc.

Ghét tiếng Anh
Đến Úc năm 1977, khi sắp 18 tuổi, anh mất bao lâu để hoà nhập được với tiếng Anh?
Lúc nhỏ tôi rất ghét học tiếng Anh. Sau 6 tháng, tôi mới chập chững đủ để đi chơi đàn và dạy nhạc bằng tiếng Anh vào cuối tuần. Thêm một năm sau nữa thì tiếng Anh mới tạm được.
Theo một thống kê của người Mỹ vào năm 2005 mà tôi đọc được, vì sĩ diện “dân tộc” xin không công bố con số cụ thể, nhưng có thể nói phần lớn người Việt di cư lúc trưởng thành, dù đã mấy chục năm sau, khả năng tiếng Anh cũng chưa đạt được mức trung bình. Anh đã học bằng cách nào trong một năm ấy để đạt mức “tạm được”?
Lúc nhỏ ở Nha Trang, nhà gần biển, và người Mỹ ở đó rất nhiều, chính họ làm cho bãi biển vốn thơ mộng và yên bình trở nên những vùng cấm, những nơi nguy hiểm, mất vệ sinh. Bao cao su, kim tiêm, thuốc lá, vỏ kẹo... hiện diện khắp nơi. Chính người Mỹ đã làm cho tôi dị ứng với tiếng Anh, vì lúc ấy suy nghĩ khá đơn giản: đó là thứ tiếng của kẻ xấu, của những người đi xâm lược, của một bộ máy miền Nam đang tham nhũng, thối nát. Trong khi gia đình tôi, mấy anh em đều nhai ngấu nghiến nó, anh tôi còn học cả 3-4 thứ tiếng khác nữa. Tôi thì chỉ học đủ để hát nhạc, chơi đàn vớ vẩn. Sang Úc, cái khả năng kì thị ấy lộ ra rõ ràng: mình là một cục ngu. Trong thời kỳ đầu, đi làm là chủ yếu, thời gian đâu mà đi học, tôi đành chọn cách học thuộc lòng. Quyển sách đầu tiên tôi chọn, hình như là cuốn Across the River and Into the Trees (Băng sông vào rừng), xuất bản năm 1950, sau đó là tác phẩm nổi tiếng The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả – pv) của E. Hemingway. Tôi mua cuốn này vì hai lý do: tác giả đang thời nổi tiếng, dù tôi cũng chẳng biết gì nhiều về ông, và cuốn sách được bán ở cửa hàng sách cũ, giá chỉ có 50 xu. Tôi đã mất 6 tháng tra từ điển để học thuộc lòng nó, và 5 năm sau tôi mới hiểu được tinh thần tác phẩm.

Trong suốt 6 tháng học thuộc lòng đó, anh có gặp một khó khăn nào không, chắc cũng có người sẽ phê phán sự ngớ ngẩn này của anh chứ?
Không có ai nói tôi ngớ ngẩn cả, mà đa số nói tôi bị điên. Ở sở làm, đó là một xí nghiệp sơn, tới giờ nghỉ là tôi học thuộc lòng, thấy thế, có người còn nói với tôi: cần gì học cho mệt, như tao đây, cứ sống lâu là khắc có nhà cửa, xe cộ, “anh” với “em” mà làm gì cho chết xác. Tôi nói lại với họ: trong mọi giá, tiếng Anh của tôi phải bằng và hơn những người Úc bình thường trong vài năm, không thì chẳng nên làm một công dân Úc làm gì. Họ chế giễu và cho tôi là điên. Vì mâu thuẫn này, tôi đành nghỉ việc ở sở làm, chọn lối sống như đã nói ở trên: chơi đàn và hát rong.

Đến bây giờ thì tiếng Anh của anh thế nào rồi, đã hơn được người Úc chưa?
Tôi chưa bao giờ thi thố trong chuyện này, vì càng học càng biết rõ một điều: xã hội có người cao người thấp, trong ngôn ngữ mình làm sao sánh được với các nhà văn nhà thơ, các chuyên gia ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu so với những người Úc bình thường, hơn hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là không thua rồi. điều quan trọng hơn cả là chính mâu thuẫn ở hãng sơn đã giúp tôi thay đổi, đi từ một người làm thuê để trở thành một nhà quản lý. Tôi cảm ơn vì điều đó.

Học quản trị vì muốn cứu nhiều người. Anh đã thay đổi như thế nào, ý nói là khi anh quyết tâm chọn học nghề quản trị?
Nếu có trở thành bác sĩ thì cũng phải mất mấy chục năm kiếm tiền, để đủ tiền mà về Việt Nam làm bác sĩ thiện nguyện. Vì nếu không có tiền để sống, thì mình phải lấy tiền của bệnh nhân, mà như vậy thì đâu có cứu được nhiều người. Tôi phải tìm cách kiếm tiền thật nhanh, thật nhiều, và đương nhiên phải bằng một nghề khác. Đó là nghề Quản trị (Manager): quản lý, lập kế hoạch, giải quyết các chiến lược cho các tổ chức, từ cấp độ công ty lên tới cấp độ thành phố, quốc gia, nhà nước, khu vực... Tôi chằm hằm vào việc học này, trước tiên là để kiếm tiền cho ước mơ trẻ con của mình, nhưng sau một thời gian học về quản trị thì lại thấy chính đây là nghề có thể cứu được nhiều người hơn là làm bác sĩ! Tôi vừa đi học vừa đi làm manager, sau 4 năm tôi mới biết được thật sự giá trị của quản trị là gì.

Anh có thể chia sẻ về cái biết quý giá này không?
Khi nghe tạp chí Mỹ Thuật muốn phỏng vấn, tôi ngần ngừ mãi không muốn nhận lời. Không phải tôi chảnh, sợ lộ bí mật nghề nghiệp, mà sợ mình sẽ phải “kể công”, phải nói chuyện chuyên môn quá khô khan. Tôi là người bình dân, không thích cầu kì, chỉ muốn nói chuyện tâm tình thôi, thích ngồi vỉa hè cafe, uống bia. Công thức có thể hiểu đơn giản như sau: Quản trị = khoa học + nghệ thuật. Bởi những công thức về quản trị, về quản lý thì rất cứng nhắc, lạnh lùng, mà môi trường sống và con người thì muôn hình vạn trạng, đòi hỏi những điều khác. Và những điều khác đó đòi hỏi nghệ thuật trong quan hệ, diễn đạt, thuyết phục và chi phối...

Đỉnh cao về nghề quản trị của anh ở Úc ở mức độ nào?
Đó, tôi rất sợ những câu hỏi kiểu này, vì thế nào là cao, và thế nào là thấp? Đó là chưa nói trong nghề quản trị, chức vụ và đẳng cấp, nhiều khi rất khó nói, cấp độ nào cũng quan trọng cả. Tuy nhiên, tôi khá may mắn, khi còn đang học tôi đã làm giám đốc cao cấp cho một công ty ở Sydney. Cũng trong thời gian này, tôi tiếp cận và được sự hỗ trợ của ông Ken-ichi Omae, người được xem là guru (bậc thầy) ngành quản trị trên khắp thế giới. Hôm đó ông Omae thuyết trình về cuốn sách Beyond Border (Ngoài biên giới) của mình, sau lần xin trao đổi trực tiếp, ông đã thay đổi hoàn toàn về tư duy quản trị của tôi. Qua câu chuyện ngắn ngủi với ông, tôi mới biết được khái niệm: Quản trị chiến lược. Chiến lược quyết định tất cả. Bởi nếu có ý định tốt, tư tưởng hay, đầu tư mạnh mà không có chiến lược phù hợp, thì cơ hội thành công gần như là con số không.

Với một nước như Việt Nam, tư tưởng của Omae sẽ được áp dụng như thế nào, và tại sao anh lại quay trở về khi cơ hội ở Úc đang rộng mở?
Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ trở về, chưa bao giờ nghĩ khác hơn, và đây cũng là lý do khiến cho gia đình tôi gãy đổ. Vợ trước của tôi đã không chịu được cái quan điểm này. Ngay sau lần về nước đầu tiên, cô ấy đã ly dị tôi. Thế tại sao tôi vẫn muốn về ư? Cũng giống như bao nhiêu lời tự hứa của những con người bình thường thôi, trước khi đi tôi đã hứa, có cơ hội là sẽ trở về, và tôi đã phải chuẩn bị cho nó mất mười mấy năm. Tư tưởng của Omae cho thấy nhiều cơ hội cho những nước chậm phát triển có thể sẽ dàng hội nhập được thế giới. Sau khi đi nhiều nước tham khảo các mô hình, đặc biệt ở các nước đang phát triển, tôi biết Việt Nam đang là mảnh đất lý tưởng.

Khác biệt giữa hai môi trường Úc - Việt Nam, làm sao anh thích nghi và áp dụng chiến lược quản trị?
Qua kinh nghiệm thực tế làm việc tại các nước đang phát triển, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á và Đông Âu trong thập niên 80, tôi đã phải chuẩn bị cho mình những cách thức tiếp cận, thu thập và phân tích thông tin, giải quyết vấn đề... khác biệt nhiều so với các nước phát triển như Úc, Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên dù đã chuẩn bị rất nhiều, tôi vẫn phải mất hơn 3 năm để thật sự hiểu môi trường phức tạp của nước mình.

Lúc mới về Việt Nam, anh bắt đầu công việc ra sao?
Tôi chọn hai lĩnh vực: hệ thống quản lý của tổ chức, và chiến lược quản trị. Nhưng lúc bấy giờ, các tổ chức ở Việt Nam không bao giờ, hoặc rất ít khi dám chia sẻ các thông tin nội bộ, nên không thể làm được gì nhiều. Cùng lúc đó, công nghệ thông tin của Việt Nam còn quá hạn chế, với vài trăm nghìn điện thoại, vài nghìn máy vi tính. Tôi đã quyết định nhảy qua lĩnh vực này, vì truyền thông và thông tin quan trọng không kém gì giao thông. Dưới góc độ quản trị, đây là lĩnh vực thách thức nhất, bởi nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố khách quan, khi đó vẫn là “vùng kín”, người nước ngoài không thể tiếp cận được. May mắn là đã có những người như anh Mai Liêm Trực chủ động tiếp xúc, tạo điều kiện cho tôi và một số anh em khác làm việc.

Biết anh không thích nói, nhưng phải có con số thì người nghe mới tin. Xin anh tiết lộ một vài cột mốc trong nghề nghiệp của anh ở Việt Nam?
Thật sự ra những đóng góp của tôi, dù có những giá trị nhất định, nhưng vẫn ở mức độ sơ khai bước đầu, rất nhỏ bé. Có thể nghĩ đến ở đây mấy công việc mà tôi đã làm ở cấp độ quản trị:
1) Giới thiệu những công nghệ số mới, môi trường hoạt động quản lý và kinh doanh mới cho lĩnh vực viễn thông;
2) Các giải pháp hỗ trợ phát triển “Cách mạng truyền dẫn Điện thoại và Internet”;
3) Gần đây là mạng vô tuyến cho Điện thoại & Internet về các địa phương, chính nó sẽ là thử thách và thay đổi về Truyền thông trong tương lai gần. Tuy nhiên, ở cấp độ các nhà quản lý của Việt Nam, họ chưa hiểu hết sự thiết yếu và phức tạp của ngành này. Ngay cả những người chịu trách nhiệm chính cũng chưa hiểu hết, kết quả là nhiều dự án thất bại, gây thất thoát rất lớn. Ngành quản trị có thể cứu được nhiều người, và tất yếu, nó cũng có thể gây tổn hại đến nhiều người – nếu làm không đúng.

Mô hình công việc được triển khai như thế nào?
Có 3 cấp độ: 1) Có môi trường kết nối để thông tin được trao đổi, cập nhật; 2) Có thông tin để có chia sẻ; 3) Có đủ các tiêu chuẩn chất lượng, độ chính xác của thông tin và kết nối để hỗ trợ các hoạt động thiết thực hơn cho cuộc sống hàng ngày.
Nhưng cũng vì sợ chi phối đến lối sống đó, nên những nhà quản lý vĩ mô đã rất e dè?
Người ta hay hỏi một cách ngây ngô rằng: bọn trẻ lên mạng coi phim sex, người lớn chơi cờ bạc – cá độ, bọn tội phạm lợi dụng... thì phải làm sao? Nhưng họ quên mất rằng: nước nào cũng vậy, vấn đề là phải ứng xử với nó như thế nào mà thôi. Về mặt quản lý, phải kết hợp với thế giới để cùng quản lý, phải làm sao để đáp ứng được mức độ quản lý bằng mức độ ứng xử văn hóa. Không thể vì những tiêu cực bé nhỏ mà quên đi những mặt tích cực rộng lớn.

Xin anh đơn cử thêm vài vướng mắc mà ta có thể đúc kết thành quy tắc?
Thiếu tầm nhìn ở cấp lãnh đạo vì họ không có những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể trong khi đó các nhóm tư vấn cho họ thì không có đủ tầm nhìn hay chuyên môn để tư vấn đúng tầm cỡ vĩ mô này. Thiếu khả năng và kinh nghiệm ở cấp triển khai, có lẽ đây là trở ngại lớn nhất hiện nay.
Trong thành tích của mình, anh đã giúp thành lập 7 công ty tại Việt Nam, có 5 công ty khá thành công, nhất là ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Anh có thể cho biết tên những công ty này được không?
Xin thứ lỗi, tôi tuyệt đối không thể trả lời câu hỏi này trên báo chí, vì như vậy, có thể sẽ gây “bất bình” và tổn hại đến quyền lợi của các công ty ấy. Với lại, trong giới thì người ta đã biết rồi, nói lại cũng chẳng để làm gì, đã giúp đỡ thì không nên kể thành tích. Biết đâu sau này, khi tạp chí Mỹ Thuật tiếp xúc với các giám đốc, các doanh nhân nổi tiếng bên đó, chính họ nói sẽ thú vị hơn.


Ung thư di hạch và cơ hội sống = 5%


Trở lại với cây đàn, anh nghĩ giữa âm nhạc và quản trị, chúng có nhiều sự tương đồng không?
Logic, tính học thuật và nghệ thuật của âm nhạc đã đem lại cho tôi rất nhiều ích lợi cho kỹ năng quản trị, quản lý của tôi. Trong những chương trình quản lý dài hơi, tôi hay chia ra thành những phân khúc như các chương của một concerto hay một bản symphony, có dẫn nhập, lắng đọng, cao trào, kết thúc... Có khi kết thúc là cao trào, và có khi là lắng đọng. Nhiều thuộc tính và motif trong âm nhạc rất giống với ngành quản trị. Nói vậy, nhưng đây cũng chỉ là những chuyện vui và kinh nghiệm của cá nhân thôi. Cũng đã đến lúc tôi muốn đánh đổi một lần nữa!

Tính ra thì anh cũng đã bỏ cây đàn trên 20 năm, nay anh định bỏ viễn thông, vậy anh đi đâu?
Sau cơn bạo bệnh từ tháng 08/2005, khi đối diện với cái chết một cách rõ ràng, tôi gần như bị buộc phải thay đổi quan điểm về cách sống. Có những chuyện trước đây là ưu tiên, bây giờ lại không. Trước đây, tôi sẵn sàng diễn đạt cho anh em hiểu trước khi làm, còn bây giờ, tôi sẵn sàng làm rồi mới giải thích cho anh em biết. Trước đây có những chuyện bực dọc, bây giờ cũng những chuyện đó lại thấy không cần thiết. Trước đây có những mối quan hệ phải giữ, còn bây giờ thì lại xem nhẹ như không. Nói chung, tôi đã có quá nhiều thay đổi.

Phải qua đến tận Mỹ, lại vào bệnh viện rất đặc biệt để thay máu, thay tủy sống, căn bệnh đó có thể nói tên ra được không anh?
Non-hodgkin Lymphoma, tiếng Việt gọi là ung thư dị hạch. Cơ hội sống cho các bệnh nhân khoảng 5-6%, phải thay tủy sống và cấy tủy mới. Nói chung là tốn rất nhiều tiền, nhiều công sức. Tôi chữa bệnh bằng tiền công ty + tiền bảo hiểm + tiền túi, may mắn là tôi chưa bị “cháy túi”.

Sau 3 năm, bệnh của anh đã đi vào quỹ đạo yên tâm chưa?
Mức yên tâm của căn bệnh này là 5 năm, mức yên tâm trung bình là 10 năm. Ống cấp cứu vẫn còn nằm trên ngực tôi thêm 1 năm nữa, và mỗi lần 2 tháng phải ra nước ngoài để theo dõi diễn biến... Nhưng dù thế nào đi nữa tôi vẫn thấy mình may mắn, vì những người có bệnh giống tôi, nằm chung bệnh viện đã “đi” hết rồi. Mỗi ngày bây giờ với tôi là một sinh nhật, và cũng là ngày cuối cùng. Nhiều khi tôi nghĩ, giá như ai cũng sống theo cách suy nghĩ này thì chắc là trần gian này đẹp biết bao, vì có quá ít thời gian cho những chuyện “linh tinh”, những hiềm khích, nghi kị, chiến tranh...

Để Qualcomm chọn anh làm Trưởng Đại diện cho họ, rồi giúp rất nhiều trong việc chữa bệnh cho anh, rõ ràng họ có lý do để làm những việc này. Anh có thể cho biết những lý do đó? Anh thấy sao khi anh quyết định nghỉ như thế này đối với công ty và cá nhân anh?
Sự lựa chọn của một công ty về một cá nhân làm việc cho họ cũng tương đương với sự lựa chọn của cá nhân đối với công ty này. Tôi rất vui vì được Qualcomm thấy được khả năng và thái độ sống của mình, cũng như tôi thấy được ở Qualcomm những giá trị tất yếu để mình có thể phần nào làm được những điều mong muốn trong khi ở Việt Nam. Tôi tin là họ đã hài lòng với những đóng góp của tôi đối với các mục đích chính của công ty tại Việt Nam. May mắn hơn nữa là quan điểm chuyên nghiệp của công ty và quan hệ giữa các nhân sự trong công ty của Qualcomm và cá nhân tôi rất rõ ràng, tốt đẹp.
Với những phát triển nhanh chóng của công nghệ 3G tại Việt Nam và nhu cầu hỗ trợ phát triển cho ngành này từ phía Qualcomm, so với sức khỏe, quỹ thời gian còn lại và sự mong ước của tôi, tôi chỉ có thể đóng góp rất ít cho công ty, cũng như công ty cũng chỉ có thể giúp tôi rất ít cho mong ước của mình. Từ đó, việc nghỉ làm cho công ty là một điều hợp tình và hợp lý cho cả hai phía. Tôi biết là cả Qualcomm lẫn cá nhân tôi sẽ vẫn còn tiếp tục có những quan hệ khá mật thiết trong các lĩnh vực chuyên môn trong nhiều năm tới.

Sau hư vô, là thực dụng – theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này, rốt cuộc, anh nghĩ đời người là gì?
Chỉ là một móc xích của hàng triệu, hàng tỷ móc xích khác. Có móc xích to, có móc xích nhỏ, có những móc xích đơn lẻ, có những móc xích phức tạp. Cuộc đời đã qua của tôi là một móc xích khá phức tạp. Móc xích đó đã hình thành rồi, không thay đổi được nữa và tôi chỉ muốn nó hiệu quả hơn cho những móc xích khác mà thôi. Bây giờ, tôi sợ nhất cảnh ngồi máy bay, luân chuyển múi giờ, sợ phải di chuyển từ máy bay về hotel và ngược lại, quá cô đơn và bận rộn một cách vô ích. Bây giờ, tôi vẫn khổ vì cùng lúc phải sử dụng 3, 4 máy di động, không số này reo, thì số khác gọi, khó có một giờ yên ổn. Chính vì thế, tôi lại muốn thay đổi, để kiếm tìm thêm những ngày giờ yên ổn và ý nghĩa hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét